Điều gì đã xảy ra với Motorola?

Điều gì đã xảy ra với Motorola?



Điều gì đã xảy ra với Motorola?
Làm thế nào một công ty nổi tiếng của Mỹ, từng thống trị ngành công nghiệp viễn thông, sáng tạo ra chiếc máy điện thoại di động đầu tiên của thế giới, lại làm ăn thua lỗ, bị bán cho Google và cuối cùng lại về tay một công ty công nghệ Trung Quốc.
Motorola vốn là một công ty viễn thông đa quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2007 đến 2009, Motorola bị lỗ 4,3 tỉ USD, và đã tách thành 2 công ty độc lập, là Motorola Mobility và Motorola Solutions vào ngày 4/1/2011. Chỉ 7 tháng sau, Motorola Mobility đã “bán mình” cho Google.

Dù vậy, Motorola vẫn chưa được yên. Về tay Google cũng không khá khẩm gì hơn, ngày 30/10/2014, Motorola chính thức bị Google bán lại cho hãng công nghệ Trung Quốc Lenovo.

Công ty đang hấp hối, lãnh đạo vẫn “chém gió”!

Vào một ngày tháng Tư ấm áp năm 2014, tại trụ sở của Motorola Mobility có sự hiện diện của rất đông giới doanh nhân, công nghệ và nhà báo. Họ được Rick Osterloh, người vừa giữ chức chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Motorola Mobility được 10 ngày và là người đàn ông thứ 4 tiếp quản, điều hành Motorola Mobility kể từ khi tách khỏi công ty mẹ. Tại đây, khách khứa được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng những hình ảnh, kỉ vật trong lịch sử hào hùng của Motorola – đó là những chiếc radio xe hơi đầu tiên, chiếc ĐTDĐ đầu tiên, thiết bị đầu tiên thực hiện cuộc gọi video từ mặt trăng về trái đất – xen vào giữa đó là rất nhiều hình ảnh đầy sắc màu sáng chói của Google.

Ngày hôm đó, sếp Motorola Mobility là Osterloh đã có bài phát biểu ngắn gọn, về tương lai tương sáng, triển vọng của công ty. “Motorola Mobility đã bán ra 6,5 triệu thiết bị trong quý đầu tiên của năm (2014), tăng 61% so với cùng quý năm ngoái”.

Điều Osterloh không đề cập đến là những thiết bị này chỉ chiếm có 2% thị phần smartphone toàn cầu. Hay sự thật Motorola Mobility đã lỗ 198 triệu USD trong quý đầu tiên năm 2014. Hay việc thua lỗ đó đã khiến Google mất đi hơn 1 tỉ USD, buộc phải cắt giảm 17.000 nhân viên.

Osterloh sau đó tuyên bố “Motorola Mobility sẽ là một động lực kinh tế chính và sẽ mang lại 2.000 việc làm cho thành phố Chicago”.

Nhưng không ai không hiểu rằng ông đang “chém gió”. Vì chỉ 3 tháng trước – tức là chưa đầy 2 năm sau khi Google hoàn thành thủ tục mua lại Motorola Mobility – CEO Google, Larry Page, đã đồng ý bán công ty cho nhà sản xuất máy tính Trung Quốc Lenovo với giá 2,9 tỉ USD. Điều này ám ảnh tất cả mọi người ở đây.

Sẽ tạo thêm 2.000 việc làm ư? CEO Yang Yuanqing của Lenovo có thể làm gì ông thích với Motorola. Tương lai của chính Osterloh và Motorola ẩn chứa đầy bất ổn.

Một kết cục không ai ngờ

Bị chính những hãng công nghệ mới thành lập cạnh tranh và cuối cùng là bị một công ty Trung Quốc thâu tóm. Một số phận bi thảm như thế này là điều Motorola không thể nghĩ nổi cách đây 20 năm. Lúc đó, Motorola là một trong những công ty lớn nhất của Mỹ, chồng chất các sáng tạo được ghi danh vào kỉ lục và tạo ra khối tài sản khổng lồ. Motorola từng có tầm nhìn sẽ đầu tư vào Trung Quốc rất lâu trước hầu hết các công ty đa quốc gia khác.

Tuy nhiên, như lịch sử của nhiều tập đoàn lớn (chẳng hạn Lehman Brothers, General Motors) cho thấy, thành công lớn có thể dẫn tới rắc rối lớn. Các cuộc phỏng vấn của giới báo chí với các nhân vật chủ chốt từng và đang làm trong Motorola, cũng như những vụ mua bán, chia tách cho thấy rắc rối bắt đầu từ việc tầng lớp lãnh đạo Motorola vứt bỏ một nền văn hóa tập đoàn mạnh mẽ từng khắc sâu từ nhiều thập kỉ qua, khi cạnh tranh nội bộ lành mạnh bị biến thành một cuộc đấu đá tai hại.

“Tôi rất yêu những năm tháng ở Motorola”, Mike DiNanno, một cựu quản lí cấp trung của công ty nói. Ông đã làm việc ở Motorola từ năm 1984 đến 2003. “Nhưng tôi ghét mấy năm vừa qua”.

Theo ICTnews.

Đăng nhận xét