Những công trình được mong đợi nhất năm 2015

Những công trình được mong đợi nhất năm 2015





Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường Phạm Văn Đồng và cầu vượt thép ở ngã 6 Gò Vấp… là những công trình được chờ đợi nhất năm 2015.

Ngày 31/12 hoàn thành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị số 3 Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) được chính thức khởi công từ 10/10/2011. Toàn tuyến có chiều dài  khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
Tuyến có điểm khởi đầu đặt tại nhà ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng – Đại học Quốc gia – Vành đai III – Thanh Xuân III – Bến xe Hà Đông – Hà Đông – La Khê – Văn Khê – Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở  từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, tính đến ngày 19/11/2014, dự án mới hoàn thành được 320/419 trụ cầu khu gian (đạt 76%); hoàn thành thi công kết cấu trụ của 7/12 nhà ga; hoàn thành đúc được 451/806 phiến dầm, lao lắp 336/806 phiến dầm (5,4/13,3km).
Các hạng mục khác như trụ cầu khu gian, tuyến nhánh ra vào khu Depot, kết cấu phần dầm và trụ của các nhà ga vẫn đang tiếp tục được thi công. Đến thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong, chỉ còn vướng mắc ở ga Cát Linh.

Đến thời điểm hiện tại hệ thống trụ cột của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi, Trần Phú đã hoàn thành và đang được lao lắp dầm

Đến thời điểm hiện tại hệ thống trụ cột của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi, Trần Phú đã hoàn thành và đang được lao lắp dầm
Tại buổi làm việc về tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông vào đầu tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đánh giá, tiến độ dự án từ khi bắt đầu làm báo cáo khả thi năm 2004 cho đến năm 2009 ký hợp đồng EPC là rất chậm.
Theo người đứng đầu ngành giao thông, mặc dù trong khoảng một năm trở lại đây tiến độ của dự án đã có tiến triển hơn, tuy nhiên tiến độ dự án vẫn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc triển khai dự án chậm gây rất nhiều phiền hà cho nhân dân, nhất là việc đi lại. Vì thế, đây là việc cần nhanh chóng khắc phục và chấn chỉnh.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tổ chức họp giao ban hàng tháng về dự án này, cập nhật lại tiến độ chi tiết với mục tiêu 31/12/2015 phải hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại.

Cuối 2015 thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án đường giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn đầu tiên triển khai mô hình BOT với 105 km tiêu chuẩn cao tốc quốc tế. Dự án được khởi công từ 19/5/2008 với tổng mức đầu tư lên đến 46.900 tỷ đồng, toàn tuyến có chiều dài 105,5km.
Tuyến đường có chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100m, mặt đường rộng từ 32,5 đến 35m với 6 làn xe chạy theo tốc độ thiết kế lên tới 120 km/giờ, hai làn dừng xe khẩn cấp.
Dự án đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng). Ðiểm đầu của tuyến đường nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội, cách mố bắc cầu Thanh Trì 1.025 m, điểm cuối là đập Ðình Vũ, quận Hải An (Hải Phòng.
So với kế hoạch đặt ra ban đầu, tới thời điểm hiện tại dự án này đã chậm tiến độ hơn 4 năm. Việc chậm tiến độ này được đơn vị chủ đầu tư dẫn giải do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính vẫn là năng lực của nhà thầu thi công yếu kém.
Chính vì vậy để đẩy nhanh tiến độ, trong năm 2014, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu chủ đầu tư thay thế các nhà thầu kém năng lực về tài chính và thi công, phối hợp với các địa phương giải phóng mặt bằng kịp thời, khẩn trương điều động thêm lực lượng máy móc thiết bị, đảm bảo nguồn nguyên liệu, vật liệu đến công trường để triển khai đồng bộ quyết liệt.
Mới đây chỉ đạo về tuyến đường này, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng yêu cầu, các nhà thầu bố trí thêm lực lượng để thi công liên tục trên toàn tuyến, kể cả trong dịp Tết và ra “tối hậu thư” là hạn chót 30/4 phải thông xe đoạn Hải Phòng – Hải Dương và thông xe toàn tuyến 105,5 km trong năm nay.

Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra công trình cao tốc Hà Nội - Hải Phòng


Thông xe toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng

Dự án đường Phạm Văn Đồng đi qua 4 quận Tân Bình – Gò Vấp – Bình Thạnh – Thủ Đức. Đây là tuyến huyết mạch của TP HCM vì khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề Bình Dương, Đồng Nai góp phần giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía đông của thành phố, nhất là các tuyến đường Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh…
Đây là tuyến đường nằm trong hệ thống giao thông vành đai của TP HCM với tổng chiều dài gần 14 km, chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1. Dự án có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD do tập đoàn GS (Engineering Contruction – Hàn Quốc làm chủ đầu tư) được khởi công vào tháng 6/2008. Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Tháng 9/2013, TP HCM đã tổ chức thông xe đợt 1 tuyến đường Phạm Văn Đồng (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu dài 4,7 km), sau đó thêm 2 đoạn ngắn thuộc dự án cũng được đưa vào sử dụng.
Cùng với việc thông xe thêm 4,2 km vào ngày 14/2 vừa qua, tính đến nay đã có gần 11 km đường thuộc dự án này được thông xe. Trong năm, ngành giao thông TP HCM nỗ lực để hoàn thành toàn tuyến đường này để thông xe xuyên suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1.

Cầu vượt thép ở ngã 6 Gò Vấp

Dự án cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp có hình chữ Y với nhánh chính nằm theo hướng đường Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm dài 234 m rộng 6m và nhánh rẽ theo hướng đường Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m.
Dự án có tổng số vốn đầu tư gần 406 tỷ đồng được khởi động từ cuối năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành sau 7 tháng thi công. Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, khi cầu vượt được đưa vào sử dụng sẽ giảm kẹt xe đến 80% ở giao lộ này…
(Theo VnMedia)

Đăng nhận xét